Hoàng hôn Nhật Bản rất dài, nhất là vào mùa hè. Từ khi tắt nắng đến khi ánh sáng cuối cùng của ban ngày chìm xuống dưới đường chân trời nhấp nhô cũng đủ thời gian cho người ta no nê ngủ một giấc. Một dải màu bảy sắc ngăn cách màn trời tím ngắt và bóng đèn in trên những tòa nhà cao tầng. Thi thoảng trên nền đen lại điểm ra vài đốm sáng, giống như những bức tranh âm bản. Tàu luôn đông khi về tối, khoảng từ bảy đến chín giờ, sau đó nghỉ ngơi hai ba giờ đồng hồ trước khi chuyến tàu cao điểm cuối cùng của ngày chuyển bánh lúc nửa đêm. Ai cũng bận rộn, lại chẳng biết ai là người thực sự bận rộn.
Tôi không muốn về nhà.
Bóng đèn cao áp xen vào giữa những chóp cây ngân hạnh nhọn hoắt, từ từ lẩn trốn về phía con dốc xa xa hướng lên đồi Omori. Gần đây có một quán nhậu giá rẻ, với chỉ 80 yên cho một xiên yakitori. Trước đây Mie đã kéo tôi tới quán này một lần, vào một ngày giữa tháng ba trời bất ngờ đổ tuyết, và chị ấy thì đang cãi nhau với Zhang.
Mie và Zhang cãi nhau hai tuần một lần, mỗi lần đều là vì những lý do giống nhau: chị ấy muốn gặp Zhang hằng ngày, nhưng anh ta muốn mình cũng cần có cuộc sống riêng, có bạn bè, và có những mối quan hệ không cần thiết phải để Mie biết. Thú thực tôi khá thông cảm cho Zhang vì điều này. Còn nếu tôi là Mie, tôi sẽ chia tay anh ta.
Tôi chọn một bàn nhỏ khuất trong góc tường, mũ nồi móc lên giá treo áo ngay cạnh đó. Hầu như các quán nhậu và nhà hàng đều có móc treo đồ cho khách tới ăn, về điểm này người Nhật vô cùng chu đáo. Menu món ăn dày đặc chữ Hán tự, tôi bập bõm gọi ra vài chữ mà mình biết. Phục vụ quán hình như cũng biết tôi không giỏi tiếng Nhật cho lắm, liền hết sức nhiệt tình giải thích cho tôi bằng một thứ ngôn ngữ cơ thể khá ngộ nghĩnh. Cuối cùng tôi cũng hiểu được anh ta muốn nói gì.
“Được rồi. Vậy cho tôi một nửa vị muối, một nửa vị tare.”
Xiên nướng kiểu Nhật, nguyên liệu thì rất nhiều: thịt gà, thịt lợn, thịt bò, da, sụn, lưỡi, tim, gan, hành, nấm, tỏi… chay mặn đều có - song hương vị chỉ có hai loại: vị muối, và vị sốt ngọt tare. Với những người khẩu vị đậm, thịt nướng thường được chấm với một loại tương miso nhạt, còn tôi thì chỉ thích rắc thêm một chút ớt bột shichimi. Đây là loại ớt bột bảy vị thông dụng nhất ở Nhật Bản. Có điều, nghe nói trong thời gian thất nghiệp sau trận lũ lụt lịch sử năm ngoái, một lao động xuất khẩu người Việt Nam đã dành mấy ngày để tách các nguyên liệu khác nhau trong lọ bột shichimi để kiểm tra, từ đó phát hiện ra shichimi thực chất chỉ có năm vị chứ không phải bảy vị như nó vẫn được quảng cáo.
Chỉ là, dù năm vị hay bảy vị thì tôi vẫn chẳng nếm ra được vị gì từ shichimi, ngoài một chút cảm giác tê nhẹ nơi đầu lưỡi mà mấy người bạn Nhật Bản luôn cảm thán là “cay quá!”.
“Bạn có gọi thêm đồ uống gì không?”
Tôi đọc qua menu đồ uống toàn chữ Katakana lần nữa. Trước đó Mie từng giới thiệu cho tôi vài món Haiboru (Highball – Cao Bôi Tửu) ở đây, có cồn, nặng hơn bia nhưng nhẹ hơn rượu, còn có vị hoa quả rất dễ uống.
“Một Matcha Haiboru.”
Nó đắng hơn tôi tưởng, vừa chua vừa đắng, vị matcha đặc ngẫn quyện với cồn đọng vào cổ họng tôi nóng ran. Món đầu tiên được đưa lên thế mà lại là thịt bò. Một xiên bốn miếng thịt được cắt thành miếng hết sức vuông vức, bên trên bóng loáng nước sốt sệt sệt. Tôi tự nhiên có chút hối hận: lẽ ra không nên gọi thịt bò.
Tôi chụp một tấm ảnh đăng lên story, thuận tiện gửi cho mẹ.
“Con đi ăn món ngon đây.”
Mẹ nhắn lại cho tôi một chiếc sticker nhảy múa.
Cuối cùng thì ly matcha haiboru quá đắng, tôi uống hết ba phần tư thì đành gọi thêm một cốc bia tươi. Story có hai mươi lượt xem, chẳng ai thả cảm xúc. Đa số người ta chỉ muốn xem xem bạn đang làm gì, chứ có mấy ai thực sự quan tâm bạn đang làm gì đâu?
“Em đi ăn yakitori ở chỗ 80 yên à? Uầy, chị cũng muốn ăn.”
“Hôm nào chị với Zhang đi mà ăn.” – Tôi trả lời, sau đó tắt thông báo cuộc thoại.
Mới có tám giờ.
Khách trong quán tới đông hơn, đều là người Nhật, có người đi thành đôi, cũng có nhiều người đến một mình. Chỉ có một mình tôi là con gái mà đi một mình. Nhưng chẳng ai quan tâm đến điều đó, may thay, đây là một trong những điều tôi rất thích ở đất nước này.
Điện thoại lần nữa báo tin nhắn. Mắt tôi hơi hoa lên. Lại chuyện gì nữa đây?
“Em uống rượu à?”
Không phải Mie.
“Đi cùng với ai đấy?”
Tôi úp điện thoại xuống bàn.
“Em một mình ở bên đó phải cẩn thận. Con gái ra ngoài buổi tối không an toàn đâu.”
“Ừ, ra ngoài uống rượu đấy! Thì sao? Liên quan gì đến anh?”
Màn hình hiện ra dấu ba chấm. Người ở phía bên kia im lặng thật lâu.
“Có ai đi cùng không? Đừng về khuya quá.”
Tôi phát cáu.
“Anh thôi đi có được không? Một năm rồi, chơi trò này còn chưa chán à?”
“Em uống say phải không?”
Say cái con khỉ.
“Phục vụ! Xin lỗi, cho tôi thêm một rượu shochu!”
“Anh không yên tâm về em.”
Tháng Bảy ở Hà Nội trời thường xuyên đổ mưa, mưa rào. Buổi tối hôm ấy cũng mát mẻ, trời ào ào đổ mưa. Tôi phóng xe từ Nam Thăng Long đến tận quận Long Biên để rồi vào bừa một tiệm KFC ăn tối. Sinh nhật hai mươi tuổi của tôi, mẹ đi công tác không có nhà, ba muốn mời tôi đi ăn cùng một người bạn ở cơ quan, lần đầu tiên tôi thẳng thừng từ chối ông ấy.
Tôi chẳng biết mình muốn làm gì. Chạy quanh Aeon Mall một lát rồi lượn trở về trên cầu Long Biên. Gió sông thổi lồng lộng, đột nhiên muốn dừng lại hít thở một lát. Nhiều cặp đôi cũng đứng ở đó, tôi tìm thấy hai ba ổ khóa trên lan can cầu. Hồi đó hình như có trend đem ổ khóa móc lên cầu để cầu nguyện cho tình yêu vĩnh cửu thì phải, tôi chẳng nhớ lắm.
“Em đang ở đâu?”
“Em đang ở ngoài đường.”
“Đi đường cẩn thận. Đừng về tối quá.”
“Không sao đâu. Em hóng gió một lát sẽ về. Anh ăn gì chưa?”
Bên kia gửi đến một bức ảnh.
“Anh ăn ít vậy? Có đủ no không?”
“Không sao, anh đang giảm béo. Nhưng An à, anh không yên tâm về em.”
Buồn nôn.
“Anh về mà lo cho chị vợ sắp cưới của anh ấy.”
Chẳng biết từ lúc nào mà cốc rượu của tôi đã uống hết. Bụng no căng, tôi vẫy tay với phục vụ. Ngoài ý muốn, cánh tay của tôi hơi tê, giơ lên nhìn thế nào cũng thấy xiêu vẹo.
“Tính tiền giúp mình...” – Onegaishimasu.
Phục vụ đưa lại tiền thừa và hóa đơn. Tôi đứng dậy, nhón chân từng bước chậm rãi ra về. Phục vụ đằng sau bỗng kêu lên:
“Xin lỗi thưa quý khách, bạn để quên mũ và ba lô.”
Bảo sao cứ thấy sau lưng thiêu thiếu cái gì. Tôi cúi gập người cảm ơn, liêu xiêu chạy mất.
Ga Shimbamba sơn màu xanh lục, đặc biệt mang cái cảm giác cũ kỹ gì đó rất anime, tường sơn đều ố màu rồi. Cách mười mét đặt một băng ghế gỗ sồi, vân gỗ đã bị mài đến bóng lưỡng. Ngay bên trên treo một tấm bảng cũng màu xanh lục. Thỉnh thoảng ngta sẽ dán poster quảng cáo sự kiện trên ấy. Tôi ấn tượng lắm với cái nhà ga này, chẳng vì sao cả. Hầu hết các ga tàu trên tuyến Keikyu đều thiết kế giống nhau, có chăng chỉ khác một màu sơn tường. Hình như có một lần tôi mơ thấy nó, mấy ngày đầu khi tôi chuyển tới Ota, với đường ray trên không và những đoàn tàu hơi nước biết bay giống như tòa lâu đài trên không của Howl vậy. Tôi biết nó chẳng liên quan gì, nhưng đôi khi tiềm thức hoạt động theo những cách rất khó hiểu mà chúng ta không kiểm soát được. Cũng có thể đơn giản vì nơi khác sẽ không vừa vặn có một tấm bảng trống màu xanh, không có một cô nữ sinh cấp ba mặc đồng phục thủy thủ ngồi trên ghế chờ vào một chiều hè nắng xiên qua cửa kính tàu phang phảng màu tím nhạt.
Không biết lúc này mấy giờ rồi, trong ga tàu chỉ có một mình tôi, hai mắt líu díu. Phải cố hết sức tôi mới đọc được hàng chữ “tàu nhanh” màu đỏ trên bảng hiệu nhà ga. Chuyến tàu này không dừng lại ở nhà tôi, vẫn phải đợi thêm rồi.
“An – san?”
Trên đầu tôi vang lên một câu hỏi nghi vấn, giọng nói này tôi không quen.
Nhưng mà đôi mắt sâu thẳm như đêm sa mạc kia thì chẳng thể lẫn đi đâu được. Tôi chưa kịp phản ứng đã thấy mình đứng bật dậy, nghiêng nghiêng ngả ngả cười khanh khách:
“Saru – sama! Sao anh lại ở đây?”
“Lúc trước tôi có nói với em rồi mà, nhà tôi ở gần đây.”
“Bây giờ anh mới về à?”
“Ừ, tôi đi làm về. Em thì sao?”
Tôi nấc một tiếng, lập tức xấu hổ bịt miệng lại.
“Em vừa đi ăn về.”
“Em không uống rượu đấy chứ?”
Tôi nhấc một đốt ngón tay giơ lên cho anh xem.
“Em chỉ uống một chút thôi.”
Sarl lắc đầu tỏ vẻ hết cách. Anh ra hiệu cho tôi ngồi xuống, thế là tôi ngồi xuống. Tôi tưởng anh đi về, nhưng anh lại ngồi xuống bên cạnh tôi. Sau đó, trong lúc cái đầu còn đang ngơ ngơ ngẩn ngẩn của tôi không hiểu chuyện gì xảy ra, anh đã theo lên tàu, kéo tôi xuống ở ga Ota-roku, nằng nặc bám theo như một cái bóng cho đến khi tôi mở cửa bước vào nhà.
Trong nhà chẳng có bóng người, chỉ có bóng đêm. Tôi va phải cánh cửa phòng ngủ. Không đau. Cửa sổ khép hờ hắt tới tia sáng màu vàng từ ngọn đèn đường đơn độc. Tôi đẩy lớp rèm mờ mờ, vừa kịp trông thấy bóng người cao thẳng của anh rẽ vào đêm tối.
Khuôn mặt tôi chẳng hiểu sao ướt đẫm rồi.
>> Chương 6