Fiction 800 Ngày

  • Thread starter Thread starter Tằm
  • Ngày gửi Ngày gửi
  • Trả lời Trả lời 7
  • Lượt xem Lượt xem 125
Chương 1
Thịt bò thối. Cô ấy muốn nhảy khỏi cửa sổ tầng ba


***
16c2aa177e906ef6771411446732.jpg

"…Trời nắng đẹp. Tôi nhìn ra cửa sổ, cố gắng kìm nén ham muốn nhảy xuống. Những người xung quanh chỉ cho rằng tôi đang chăm chú ngắm nhìn phong cảnh bên ngoài kia mà thôi."

Gần đây Mie tình cờ đọc được trên facebook – một bài viết nói về những người bị trầm cảm, thế là chị ấy bắt đầu để mắt đến tôi mỗi khi tôi đứng bên cửa sổ, thẫn thờ.

Từ khung cửa sổ này của chúng tôi nhìn ra, có thể thấy được ban công sắt tây gỉ của nhà bên cạnh, tối ngày che rèm kín mít. Một cục nóng máy điều hòa treo trên tường nhà, sát với ống thông gió, trên bao lan là cái chăn vắt ngang in hình hoa anh đào trông cũng thơ mộng. Con ngõ nhỏ rải nhựa ngăn cách ở giữa, vừa đủ cho một chiếc ô tô bảy chỗ đi qua. Phòng trọ chúng tôi thuê nằm trên tầng ba của một căn chung cư cỡ nhỏ ở quận Ota, tường ngoài ốp bằng gạch nâu xám. Dưới cửa sổ phòng lần lượt có hai ô cửa sổ khác cũng kéo rèm trắng, và một cái thùng rác hai ngăn cực to – sức chứa có lẽ phải lên tới mấy ngàn lít, đảm nhiệm rác thải của mười lăm hộ dân cư trong tòa nhà.

Phong cảnh đúng là đẹp đến nỗi khiến người ta muốn nhảy khỏi cửa sổ.

“Không đời nào. Em đâu có dở hơi.” – Tôi cười, đơn giản bởi vì ngoài cười ra tôi không biết nên dùng thái độ nào để không đả kích tâm hồn luôn nhạy cảm không đúng chỗ của Mie. Chị ấy thường có lối suy nghĩ hết sức điên rồ, một sự điên rồ vừa logic vừa khó hiểu.

Nhảy xuống bãi rác thì làm sao mà chết được?

“Nhưng gần đây em chẳng bị làm sao ấy à?”

Tôi thoát y. Mùa hè Nhật Bản có cái thứ nắng oi bức giết người hệt như không khí Hà Nội trước mỗi trận bão lớn. Toàn thân tôi đã nổi mẩn do dị ứng thời tiết. Tôi vòng tay tháo móc áo lót, lưu loát ném vào chiếc giỏ đựng quần áo bẩn trong góc phòng. Hai vết đỏ lom lom hằn trên vai, dây áo lót mắc vào quai giỏ bằng nhựa, lủng lẳng thòi hẳn một đoạn ra bên ngoài trông đến là bực mình. Tôi lập tức khều chân nhét nó trở lại.

“Hôm nay chị lau đồ đạc trong phòng chưa?”

Mie ngồi trên chiếc ghế lười ngậm kẹo mút. Tôi không hiểu đi ở trọ thì cần quái gì ghế lười? Nhưng mà Mie lại muốn, sau đó còn “lỡ tay” đặt nhầm màu, vừa vặn, đặt nhầm cái màu hồng neon đâm vào mắt mà chị ấy phát cuồng.

Tôi đành lờ đi và coi như đây là một sự trùng hợp không hề nhẹ.

“Chưa. Mới lau hôm kia, đã bẩn đâu?”

“Vậy sao sách của em lại lộn xộn vậy?” – Tôi lấy tay khều quyển sách ra khỏi giá. Cuốn Đắc nhân tâm này hôm trước tôi đã để ở ngăn ngoài cùng, bên cạnh “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”. Không có lý do nào để nó tự mọc chân chạy đến bên cạnh cuốn “Biên niên ký chim vặn dây cót” hết cả.

“Chị mới đọc lúc nãy.”

“Hả?”

“Chị bảo chị vừa mới đọc lúc nãy.”

Tôi há miệng. Mie vừa nói chị ấy đọc sách à?

“Sách mà, để chỗ nào chẳng được.”

“Lần sau chị để đúng chỗ đi nhé. Dày một bên mỏng một bên. Để lẫn vào nhau không nhìn thấy đầu sách.”

Nói chung tất cả đều chỉ là cái cớ. Tôi muốn tất cả mọi thứ trong nhà, đặc biệt là sách – phải được để đúng như thứ tự mà tôi sắp xếp. Quy tắc và trật tự luôn làm tôi có cảm giác yên tâm, giống như việc xáo tung mọi thứ trong nhà luôn đem đến cho Mie một cảm giác lười biếng đặc biệt vui vẻ. Thế nên chị ấy gật đầu, thản nhiên ngậm lại cây kẹo mút như một cách ngấm ngầm chống đối. Tôi chán chẳng muốn nói, và đói đến chẳng muốn nói.

“Hôm nay chị cọ toilet và dọn nhà tắm rồi. Em nhớ dọn bếp. Ngoài phòng bếp bẩn lắm, toàn tóc thôi, em nhớ nhặt hết tóc rồi hẵng lau nhà.”

“Em biết rồi.”

“Buổi sáng chị quên bỏ thịt khỏi tủ đá để rã đông, nên chắc trưa nay em tự ăn đi. Chị không nấu cơm đâu.”

“Thế chị không ăn à?”

“Lúc nãy chị tới cửa hàng tiện lợi ăn rồi.”

Tôi nhìn đồng hồ, hai giờ rưỡi. Buổi sáng có ca làm thêm lúc sáu giờ ở quán cơm, tôi chưa kịp cho gì vào bụng cả. Tôi nói, với một cánh tay cầm quyển sách đang run lên.

“Vậy bây giờ em ăn gì?”

“Chị tưởng em ăn ở quán cơm.” – Mie đáp, tôi không hiểu tại sao chị ấy có thể tỉnh bơ trả lời một chữ “tưởng” tự nhiên như vậy.

“Nhưng hôm qua chị nói buổi trưa nay sẽ nấu cơm. Mà em nói em ăn ở ngoài khi nào?”

“Bình thường em cũng hay ăn ở chỗ làm còn gì?”

“Chị thấy em ăn khi nào?”

Mie không trả lời được nữa.

“Nhưng mà dù sao buổi sáng chị cũng bận nên không nấu cơm nữa rồi. Giờ xem ở nhà có gì em tự ăn đi.”

“Chị bận cái gì? Bận ngồi chết dí ở cái ghế lười đó của chị và đăng story à?”

“Em ăn nói kiểu gì đấy hả?”

“Chẳng lẽ không đúng à?”

Cánh cửa sau lưng đóng sầm lại, tôi lao vào bếp. Tủ lạnh chất đầy những món đồ ăn dở của Mie, nào là bánh gạo, snack khoai tây. Hai thỏi chocolate vứt lăn lóc, ba hộp caramel trông cũ kỹ không biết đã hết hạn hay chưa. Mie rất thích tích trữ đồ ăn vặt, và luôn luôn chỉ ăn một miếng rồi bỏ xó. Không có mì gói, cháo ăn liền mang từ Việt Nam sang cũng đã dùng hết. Trong ngăn đựng thịt ở tầng dưới cùng của tủ lạnh, có một chai nước cốt chanh, một cây củ cải chảy nước và một khay thịt bò thâm sì.

Thối rồi. Không nhớ đã mua từ bao giờ.

“Thịt bò thối đen rồi, sao không vứt đi?”

“Chị không biết của ai nên chị để đó.”

Nói toẹt ra ba chữ “vô trách nhiệm” thì hơi quá đáng, nhưng Mie cũng không phải người sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình. Cái nhà này chỉ có tôi và Mie ở, ai có thể mua thịt bò và ném vào tủ lạnh? À, đương nhiên, câu trả lời rất rõ ràng. Tôi chỉ không hiểu việc vứt khay thịt bò vào thùng rác cháy được thì có gì khó khăn đến thế? Hay đơn giản là chị ấy vẫn nghĩ có người nào đó trong nhà nhai nổi cái thứ thịt bò này chăng?

Tôi bắt đầu ở chung với Mie một tháng sau khi tới đất nước không quen thuộc này. Tính đến nay đã ghi tên vào hợp đồng nhà của chị ấy hơn nửa năm, nhưng hình như Mie hiểu lầm tôi rất lớn. Mà thật ra Mie hiểu lầm tất cả mọi người.

Tôi thích cách người Nhật phân loại rác, cũng ghét chúng. Ví dụ như đối với khay thịt bò này, muốn vứt đi, bạn phải xé bỏ lớp màng bọc ni lông bên ngoài, trút hết đống thịt vào thùng rác “cháy được. Phần còn lại bao gồm khay xốp và màng bọc sẽ vứt sang bên rác “không cháy”. Ở các thành phố khác nhau họ có những cách phân loại rác khác nhau, cho những mục đích tôi không hiểu lắm. Nhưng hiện tại, chỉ cần nhìn đến cái thứ nhầy nhụa nhung nhúc y hệt một bày dòi đen sắp sửa hóa ruồi chen chúc nhau bò lổm ngổm trong khay thịt, tôi có thể cảm thấy vị chua từ dạ dày ợ lên cổ họng.

Thịt nội địa của Nhật bao giờ cũng đắt hơn thịt nhập khẩu, có lẽ do chất lượng tốt hơn. Các bạn cũng biết cách mà người Nhật nuôi bò thịt rồi đó. Chỉ những con bò giống tốt nhất, khỏe mạnh nhất, được chăm sóc một cách tốt nhất mới có thể xứng đáng thi đỗ vào vòng mổ thịt, sau đó khẳng định tiếng thơm cũng như thành tựu cả đời của chúng trên những đĩa bít tết ba sao Michelin. Thật không biết trước khi bước vào lò mổ, tâm trạng của chú bò vượt trội nào đó là ra sao? Chắc nó cũng sẽ không nghĩ đến có ngày miếng đùi ngon nghẻ chắc nịch của mình lại bị bỏ quên đến thối rữa trong tủ lạnh của mấy kẻ ngoại lai không có khiếu thưởng thức ẩm thực, rồi, còn bị người ta chán ghét vứt bỏ.

Thời gian, ôi, thời gian.

Khay thịt bò bỏ đi rồi, nhưng đến tận tối hôm sau, tôi vẫn cảm giác cái mùi thiu thối đó vương vẩn quanh nhà, lén lút trốn trong mùi nước hoa trộn nước xịt phòng nồng nặc của Mie, thỉnh thoảng thò tay vào khứu giác của tôi, chọc ngoáy. Mie không ngửi thấy gì cả. Tôi bật máy hút mùi ba mươi phút đồng hồ, thứ chướng khí mù mịt kia vẫn không tan, hệt như một loại ảo giác.

Bằng một lý do nào đó, không rõ từ bên ngoài hay bên trong, tình cờ hay nhân quả, tôi luôn vô thức nhìn ra cái cửa sổ ấy. Nếu như nhảy xuống rồi, thứ mùi đó có còn bám theo tôi nữa không nhỉ? Có lẽ là không, dưới kia có hàng đống rác thải đang chờ thối rữa, mỗi ngày. Tôi không tin phong thủy lắm, nhưng Mie từng nói với tôi nhà chị ấy chọn phong thủy rất đẹp, đẹp y hệt cái bãi rác sau nhà.

Tiệm cơm hôm nay không đông. Tôi tần ngần đứng nhìn khay thịt bò sống tẩm gừng, đột nhiên lợm giọng. Ai đó đứng trong bếp kêu toáng lên:

“Đứng đấy làm gì? Nhanh lên. Sáu giờ chiều phải mang tới Meguro rồi.”

Thế là tôi bắt đầu xào thịt. Mùi gừng cay thơm phức bị quạt gió thổi bay ra ngoài, người qua đường thỉnh thoảng thấy mùi thơm liền dừng lại hỏi món cơm thịt bò xào gừng. Mười hộp cơm nhanh chóng bán hết, bọn họ không ngửi thấy thứ mùi vị buồn nôn kia sao?

Tôi hỏi Rùa đứng bên cạnh, cậu bạn đang chăm chú chiên một mẻ tamagoyaki.

“Thịt bò này để từ khi nào đây?”

“Mới mang đến buổi sáng nay, thịt mới.”

Tôi đeo khẩu trang, lờ đi.

“Sao à?”

“Có mùi.”

Thằng nhóc Rùa chế giễu:

“Có mà mũi chị bốc mùi thì có.”

Tôi không thèm trả lời nó, nhưng cái ý nghĩ mũi của mình bốc mùi bắt đầu ám lấy tôi.

>> Chương 2
 
Sửa lần cuối:
  • Like
Reactions: Lacie Dayo and Lynn
Chương 2
Ánh sáng lọt qua khe cửa. Let’s Bungee Jump
***

221a0c2205c729daca8e406f2a27b386.jpg

Tôi ra khỏi ga tàu lúc 9h25 tối như thường lệ, hối hả hệt như những người Nhật lúc nào cũng hối hả. Sáng vội vã đi, tối vội vã về nhà, tuy rằng tôi cũng không rõ ở nhà có thứ gì hối thúc làm họ phải vội vã như vậy. Còn tôi lúc này, đơn giản chỉ vì muốn kịp tạt qua khu siêu thị ở dưới chân ga, mua một phần bữa tối bỏ bụng. Đồ ăn cuối ngày luôn luôn được giảm giá, tôi nhặt hai xiên thịt nướng, một hộp Karaage và salad bắp cải.

Căn hộ của chúng tôi cách ga tàu cỡ mười phút, băng qua một dãy phố, một cái ngã tư và một mảnh đất bị rào lại mà tôi nghe đồn trước đây là nghĩa trang. Mie có tật sợ ma – mặc dù tôi không rõ ma Nhật thì hiểu tiếng Việt bằng cách nào – chị ấy không bao giờ ở nhà được một mình, bất kể ngày hay đêm.

Tôi mở cửa, bên trong tối om. Chôm Chôm thế mà cũng chưa về. Mùi sàn gỗ lặng lẽ xuyên qua bóng tối, nhẹ nhõm. Không có Mie, cũng không có Chôm Chôm, tôi bật loa ngoài thật to một bài nhạc phim Trung, vừa thay quần áo vừa ê a hát theo. Ở nhà một mình có cái sung sướng của một mình. Tất nhiên Mie và Chôm Chôm đều không rảnh chen vào việc của tôi, đôi khi chỉ là sự hiện diện của một cá thể nào đó ngoài bản thân đã đủ khiến mình gò bó rồi.
Chôm Chôm về nhà sau tôi nửa tiếng. Con bé đang học năm thứ hai, cũng đã giắt lưng một công việc làm thêm khá nhẹ nhàng ở trung tâm sinh viên quốc tế gần đó.

Tôi nghe con bé mở tủ giày, tiếng công tắc điện. Ba tiếng “tách” liên tiếp, đèn hành lang, đèn bếp và đèn phòng khách lần lượt bật sáng. Chôm Chôm có thói quen đi đến đâu bật đèn tới đó. Tôi ngạc nhiên là cả con bé và Mie đều sợ ma, theo những cách chẳng giống nhau, không biết trước khi tôi dọn tới hai người đã sống thế nào.

Chôm Chôm lướt qua tôi rất nhanh, thẳng tay quẳng ba lô vào phòng. Tôi tự giác coi bài nhạc Đen Vâu oang oang phát ra từ loa ngoài điện thoại trong túi quần nó như một lời chào không khách sáo.

“Em ăn gì chưa?”

Con bé gật đầu.

“Hôm nay Mie không về đâu.”

“Ừ, chị biết rồi.”

Chôm Chôm không phải người thích nói chuyện. Về điểm này tôi và con bé giống nhau. Những lúc Mie không ở nhà, tôi thường xuyên không biết phải nói chuyện với Chôm Chôm như thế nào. Nước sông không nên chạm nước giếng.

“Chị tắm chưa?”

“Chưa.”

“Cho em tắm trước. Mai em phải nộp bài tập.”

Nhường em.

Ngày mai là thứ Hai, tôi cũng có một buổi hướng dẫn một đối một với giáo sư chuyên ngành. Luận văn của tôi gặp trục trặc về số liệu, giáo sư nói bà ấy cần kiểm tra tập dữ liệu mà tôi đang sử dụng. Điện thoại bỗng rung. Nửa năm ở đất nước xinh đẹp này đã dạy cho tôi từ bỏ thói quen nghe điện thoại. Tôi không có nhiều bạn bè, chẳng ai sẽ cần gọi cho tôi. Còn những người khác? Chưa chắc tôi đã hiểu họ nói gì.

Có điều người Nhật không dùng Zalo, mà gọi cho tôi lúc này cũng chỉ có một người. Tôi tần ngần nhìn ra cửa sổ.

“Ba gọi con ạ?”

“Ừ, sao hôm qua ba gọi mãi con không nghe thế?”

Tôi mở laptop, mở bảng dữ liệu để trước mặt, giống như thể tôi thực sự đang bận rộn.

“Chắc lúc đó con đi làm ạ. Zalo không hiện thông báo.”

“Ba gọi tận ba lần. Mãi không thấy nghe.” - Giọng ba ở đầu bên kia nghe đầy phật lòng. Đêm oi nồng, trán tôi hơi lạnh.

“Vâng con biết rồi. Dạo này con hơi bận. Ở nhà ăn cơm chưa ba?”

Ba không có ý định buông tha tôi.

“Ăn rồi? Thế là không được đâu. Ba gọi thì phải nghe chứ?”

“Dạ…”

“Đâu bật camera ba xem nào? Dạo này mặt tròn thế? Lại lười tập thể dục à? Ba ngày nào cũng chạy bộ 2 kilomet đấy. Còn trẻ thì phải rèn luyện nhiều vào, thế là không ổn đâu nhé.”

“Vâng.” – Nếu mỗi ngày tôi làm bếp tám tiếng, đi bộ thêm hai tiếng đồng hồ, hiệu quả không biết có bằng chạy bộ không nhỉ?

“Đã sắp thi chưa? Học kỳ này là học kỳ thứ hai rồi nhỉ? Chỉ còn 1 năm nữa thôi đấy. Tiếng Nhật học đến đâu rồi? Hôm trước ba có gặp một chị cũng đi học ở Nhật, về làm cho công ty kia lương được ba mươi triệu một tháng, có bằng N2… Con học tiếng đến đâu rồi?”

“Vâng.”

Màn hình Windows thông báo một email mới. Tôi ấn vào kiểm tra.

Chúng tôi rất tiếc vì bạn đã dừng chân ở vòng phỏng vấn lần trước. Xin nhấn mạnh đây không phải vì bạn không giỏi, chỉ là chúng tôi tìm kiếm những gương mặt thật sự phù hợp cho vị trí này.

Tính từ đầu tháng này, đây đã là cái email từ chối lần thứ năm.

“Để ý tìm xem có công việc nào ở bên đó không. Sắp tốt nghiệp rồi, phải tính đấy, sau này đi làm ở đâu? Thời gian phân bổ cho hợp lý, một phần ba cho việc học thôi, còn lại phải trau dồi kỹ năng còn đi làm đấy. Không chơi được nữa đâu. Đầu tư mấy trăm triệu đi học, làm công việc gì tử tế… Này, hôm nọ ba kết nối một cô làm mảng tuyển sinh thực tập sinh, đang cần một người ở Nhật phụ trách ăn ở cho người bên đó, ba giới thiệu con cho chị đấy rồi. Bảo là con gái chú đang ở đó, trước đây nó từng làm đại diện cho một công ty Nhật ở Việt Nam rồi này. Nó cũng năng động xông xáo lắm. Hôm nào nói chuyện với chị ấy xem.”

“Vâng.”

Trong phòng nóng quá, tôi chậm rãi tiến một bước. Cửa sổ kính và tấm chắn côn trùng được kéo ra.

“Thế mấy hôm vừa rồi bà ấy có gọi cho con không?”

Cuối cùng cũng đến rồi. Lại là chuyện đó.

“Mẹ gọi con từ tuần trước.” – Tôi hàm hồ đáp. Nếu bên dưới không phải bãi rác, và nếu tôi có một sợi dây chun cực to buộc vào người, có lẽ nhảy xuống cũng không tệ.

“Ba rất bực mình, ra không chịu nổi. Sao lại có thể cư xử như thế? Không phân biệt được đúng sai, nói mãi không hiểu. Làm tổn hại đến tất cả mọi người.”

“Con bây giờ lớn rồi, có những việc bắt buộc phải thể hiện quan điểm. Chỉ có con mới tác động được đến cái người ấy thôi. Buộc phải đương đầu con ạ, phải có bản lĩnh.”

Chữ trên màn hình máy tính nhòe nhoẹt, nhảy múa trước mắt. Tôi nghĩ mình nên đi ngủ thôi.

Chôm Chôm hẳn vẫn đang học. Tôi nhắm mắt vùi đầu vào gối, cố gắng lờ đi tiếng gõ phím lách cách và ánh sáng lọt qua khe cửa phòng Chôm Chôm. Trong nhà này, chỉ có tôi là đứa ghét ánh đèn buổi đêm.

Giấc ngủ này không sâu, thế mà tôi lại nằm mơ một giấc kỳ lạ.

Lúc tôi mở mắt, đồng hồ chỉ một giờ đêm. Đèn bên kia vẫn sáng, không nghe tiếng động ở phòng bên, tôi cho là con bé ngủ quên rồi. Xuất phát từ ý thức tiết kiệm điện được dạy từ bé, tôi bèn rón rén qua tắt đèn.

Thế nhưng lúc ba giờ sáng, mơ màng tỉnh dậy, ánh sáng ở phòng bên vẫn tràn qua khe cửa phòng đâm vào mắt tôi, hẳn là ban nãy là tôi đã nằm mơ thật. Cho nên tôi quyết trở dậy đi tắt đèn.

“Aaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaa!”

Tôi còn chưa kịp nằm xuống, lần này thì chắc chắn không phải nằm mơ.

Là Chôm Chôm vừa hét, hét rất to.

Có tiếng bước chân cục súc của con bé, tiếng xả nước nặng nề, và một tiếng đóng cửa đầy giận dữ.

Tôi im lặng nằm thẳng đuỗn trên futon, kéo lại chiếc chăn mùa hè trên ngực, ngửa đầu nhìn trần nhà. Ánh sáng cuối cùng cũng tắt rồi, nhưng tôi không ngủ được nữa.

Giáo sư Nakamura đẩy chiếc kính cận gọng vuông, cười hỏi tôi:

“An – san hôm qua mất ngủ à? Đừng lo lắng như vậy. Chúng ta vẫn còn gần một năm nữa để sửa lại đề tài luận văn của em mà.”
Tôi chẳng có cách nào ngoài nhún vai cười khổ:

“Xin lỗi cô, em không thể tìm được số liệu từ năm 2015 trở về trước. Em cũng thử tăng phạm vi các nước trong danh sách nghiên cứu, nhưng những nước kia lại khuyết thông tin, không thể đưa vào làm mẫu được.”

“Nhưng số lượng mẫu của em không đủ. Không đủ mẫu thì kết quả chạy ra cũng sẽ không chuẩn, một nghiên cứu như vậy thì không đảm bảo tính chính xác. Hôm nọ cô gợi ý cho em tìm thêm data về chỉ số công nghệ hóa ở các nước đưa vào mô hình, em đã tìm được chưa?”

“Em đã tìm được rồi, nhưng số liệu này lại chỉ có từ năm 2012 đến 2016. Em sợ nếu dùng nó thì khá lỗi thời, nhất là đối với ngành công nghệ.”



Nếu đã như vậy, An – san, cô nghĩ em phải đổi đề tài.

Em còn 9 tháng nữa, đừng lo.


>> Chương 3
 
Sửa lần cuối:
  • Like
Reactions: Lacie Dayo and Lynn
Chương 3
Irasshaimase. Xin lỗi. Râu quai nón và đôi mắt màu xanh nhạt

***

9888d6d24eca3f335c902f0ed553d7e1.jpg

Tôi xuống tàu ở Gotanda, bắt đầu đi bộ. Dọc sông Meguro là hàng anh đào đã qua mùa hoa nở. Vào dịp tháng Tư hàng năm, đây là một trong mười điểm ngắm hoa nổi tiếng nhất ở Tokyo. Người Nhật thích trồng hoa anh đào thành từng lũy dọc những bờ sông, đơn giản vì khung cảnh này thực sự rất đẹp.

Tôi sẽ tốt nghiệp vào mùa anh đào năm sau, nếu trong chín tháng tới tôi có thể kịp viết lại từ đầu bài luận văn mới.

Gió ven sông thổi tới, lại là mùi thịt bò. Tiệm cơm Meguro khiêm tốn nép mình đứng cạnh cửa hiệu Don Qixote mega cực lớn. Tôi bước vào, nhận được một cái cúi đầu đồng loạt và câu chào cực kỳ niềm nở:

Irasshaimase.”

Tôi mỉm cười:

“Xin chào. Tôi là An đến từ cửa tiệm Shinagawa.”

Anh ấy rất cao, đeo khẩu trang, đội một chiếc mũ nồi màu đen đồng phục của tiệm cơm. Lúc anh ấy nhìn thấy tôi, dáng mắt anh ấy cong lên nhẹ nhàng, là một đôi mắt màu xanh nhạt.

Ồ, một anh chàng ngoại quốc.

Ba ngày rồi, Chôm Chôm vẫn không nói chuyện với tôi. Con bé thật sự tức giận.

“Bạn đến đưa Tamagoyaki ư?”

“Đúng vậy. Tôi được cử tới thay Rua – san và sẽ làm việc vào ca tối.”

Anh ấy chỉ lên tấm biển gài ở tạp dề, nói với tôi:

“An – san phải không? Rất mong được giúp đỡ.”

“Không có gì. Rất mong được bạn giúp đỡ thêm.”

“Đồng phục ở bên kia, bạn thay đi nhé.”

Khách buổi tối thường không đông, đó cũng là lý do tôi luôn được sắp xếp làm việc vào ca này. Nhân viên mới chậm chạp như tôi chưa đủ thạo việc để bán cơm vào giờ ăn trưa. Từ khoảng 6 giờ chiều cho đến 9 giờ tối khi tiệm đóng cửa, công việc chủ yếu của chúng tôi là bán nốt số cơm hộp đã làm trong ngày và chuẩn bị nguyên liệu sẵn sàng cho hôm sau. Tôi bơi trong bộ đồng phục size M, thản nhiên khiêng bao gạo 10 kg đổ vào máy vo. Cửa hàng trưởng và anh bạn ngoại quốc trao đổi gì đó liên quan đến công thức món ăn mới. Máy vo gạo vẫn chưa đầy nên tôi đổ thêm một bao gạo nữa.

“An – san, có khách đặt hàng qua website. Bạn có biết cách sử dụng hệ thống chưa?”

Có, tôi đã từng được hướng dẫn một lần.

“Vâng, tôi chuẩn bị ngay.”

Chẳng biết từ bao giờ tôi lại thích công việc làm bếp. Khách hàng gọi một phần cơm thịt bò truyền thống, một phần cơm lươn và sò điệp tempura. Mọi thứ đều có công thức sẵn có, chẳng phải suy nghĩ gì cho cam. Việc cần làm duy nhất chỉ là chú ý căn thời gian và đừng để phần thịt của bạn quá lửa.

Cuộc sống nếu cũng đơn giản như vậy thì tốt quá.

Nhưng mà, chẳng lẽ chúng tôi lặn lội tới tận đây, vật lộn nơi đất khách quê người, chỉ để cả ngày cắm mặt trong một tiệm cơm thịt bò?

“Xin chào, tôi chính là người đặt cơm lúc 8 giờ tối.”

“Tất cả đã sẵn sàng, của ông đây.”

Người khách nhận đồ, đứng lại trước cẩn thận kiểm tra hồi lâu. Xong xuôi, ông ấy ngẩng đầu nhìn tôi như muốn chờ đợi điều gì đó. Tôi hơi kinh ngạc:

“Thưa ông, tôi đã chuẩn bị sốt, giấy ăn và đũa đầy đủ rồi. Của ông xong rồi ạ.”

Ông khách cười cười với tôi, hỏi:

“Hóa đơn thì sao?”

“Cũng ở trong túi, thưa ông.”

Vị khách xem chừng kinh ngạc hơn cả tôi, nhưng bởi vì tôi đã nói như vậy, ông ấy đành ra về. Mãi cho đến tận lúc chúng tôi tan ca, khi cửa hàng trưởng kiểm tra lại doanh số bán hàng trong ngày, tôi mới phát hiện ra vị khách ấy rốt cuộc là muốn chờ cái gì.

Tôi đã không tính tiền cho ông. Không phải quên tính, mà là không tính.

“Sao có thể nhầm lẫn tai hại như thế An – san? Nếu như em không biết dùng thì phải hỏi chứ?”

“Em cứ nghĩ là đặt hàng qua website cũng giống như đặt hàng qua ứng dụng, là trả tiền trước. Em thực sự, thực sự xin lỗi.”

“Không phải một hóa đơn, mà tận ba cái. Bây giờ cửa hàng thiếu hơn năm ngàn yên. Em tính làm thế nào đây?”

Tenchou – sama, em thực sự xin lỗi.”

“Tôi hỏi em định làm thế nào? Lúc nào cũng xin lỗi. Chỉ biết vâng với xin lỗi thôi.”

Tôi không phản ứng lại, đơn giản vì những chuyện này đều nghe đã quen. Đưa nhầm hóa đơn, nhầm món ăn, thiếu nước sốt hoặc salad, chuyện gì cũng từng có, đây không phải lần đầu tiên tôi mắc lỗi. Chỉ là chưa có lỗi nào trị giá tận năm ngàn… Con người ấy mà, chưa biết đau thì còn chưa biết rút kinh nghiệm.

Mà chị ấy nói chẳng có gì sai, tôi chỉ biết vâng và xin lỗi.

“Để em bù lại hóa đơn này, có được không ạ?”

Chín giờ tối, anh bạn ngoại quốc lau dọn bàn ghế xong xuôi, cất máy hút bụi, bước vào phòng thay đồ. Cả tôi và anh ta đều tan ca, cửa hàng trưởng ở lại sau cùng để chỉnh sửa lại báo cáo bán hàng. Tôi quẳng bộ đồng phục dính đầy mùi thịt bò vào sọt quần áo bẩn, vội vội vàng vàng chào tạm biệt:

“Mọi người đã vất vả rồi. Hẹn gặp lại.”

Cửa hàng trưởng vùi đầu vào giấy tờ, không cả ngẩng đầu lên. Tôi không nghĩ chị ấy còn muốn gặp lại tôi, nhưng chị ấy vẫn nói:

“Hẹn gặp lại.”

Tôi sải bước, dài, nhanh, đi gần như chạy về phía nhà ga. Đừng nhìn ngang nhìn dọc, cũng đừng ngoái đầu, mùi thịt bò buồn nôn kia đang ở phía sau.

Thế mà vẫn chẳng đuổi kịp chuyến tàu lúc 9 giờ 12 phút. Tôi tìm một băng ghế trống ngồi đợi tàu, rảnh rỗi ghi con số năm nghìn yên vào sổ chi tiêu. Tiền nhà tháng này còn chưa đóng, chỉ sợ hai tuần tới phải ăn mì gói qua ngày.

“An – san!”

Mùi thịt bò thế mà vẫn đuổi tới.

Là người ngoại quốc làm thêm ở Meguro. Anh ấy đã thay đồng phục. Lúc này trên người là một bộ quần jeans áo thun gọn gàng khỏe khoắn. Tôi ngước nhìn, trông anh còn cao hơn lúc ở trong tiệm cơm nữa. Tôi bối rối, lúc trước tôi là lờ đi không hỏi tên anh.

“An – san đi nhanh thật đó. Bạn trễ tàu sao?”

“Vâng, tôi tới thì tàu chạy mất rồi.”

Anh ấy nhìn tôi một lát, thành thành thật thật hỏi:

“Vừa nãy thật lấy làm tiếc cho An – san. Nghe nói bạn là nhân viên mới, trước đó quản lý không hướng dẫn bạn à? Có phải bạn không thạo tiếng Nhật lắm không?”

“Đúng là tiếng Nhật của tôi không tốt lắm. Tôi nghe hiểu, nhưng mà…”

Tôi nhún vai thay cho vế sau. Chẳng biết nên giải thích với anh ta như thế nào. Tôi không phải người giao tiếp tốt. Đừng nói là tiếng Nhật, ngay cả tiếng mẹ đẻ tôi cũng chưa chắc nói được mấy câu.

“An – san cũng đi tuyến tàu này à? Nhà em ở đâu?” – Câu hỏi đột ngột chuyển sang tiếng Anh, tôi hơi ngạc nhiên.

“Anh cũng nói tiếng Anh à? Em ở ga Ota – roku, em sẽ đổi tàu ở Shinagawa.”

“Ồ, tuyến Keikyu à? Nhà anh cũng nằm trên tuyến đó. Anh xuống tàu ở Shimbamba.”

Tôi ngập ngừng nói:

“Thật xin lỗi, vừa nãy em chưa kịp hỏi… tên anh là gì?”

“Tôi tên Sarl. S – A – R – L. Mọi người gọi tôi là Saru.”

Anh ấy nghiêng đầu cười. Ở góc độ này sống mũi của anh ấy cao nhất, râu quai nón gọn gàng bao trọn lấy đường nét khuôn mặt đặc biệt á đông. Tôi hơi khát nước.

“Em từ đâu đến vậy An?”

“Em tới từ Việt Nam. Còn anh thì sao?”

“Middle East, ở một đất nước có lẽ em không biết đâu.”

Chẳng trách, đôi mắt anh giống như đêm sa mạc.

Trong sân ga có một máy bán nước tự động, tôi sờ sờ chiếc ví đựng tiền xu trong túi quần, lại nhớ đến khoản năm ngàn yên buổi tối, tự giác ngồi im.

“Em đang đi học, hay là qua đây đi làm? Tới Nhật lâu chưa?”

“Em học Sau đại học, được một năm rồi.”

Sarl tháo ba lô trên vai, lục lọi một hồi moi ra được một chai nước khoáng chìa cho tôi.

“Ồ, giỏi quá.”

Giọng anh hơi thấp, gần như muốn tan vào gió đêm. Tàu đến rồi, chúng tôi chọn ghế gần cuối của một khoang vắng vẻ. Không gian đột nhiên tĩnh lặng, tôi tự nhiên không biết phải tiếp tục câu chuyện này như thế nào, bèn vờ vịt mệt mỏi tựa đầu vào thành cửa sổ nhìn ra ngoài. Sarl cũng không quấy rầy tôi, tự giác đeo tai nghe nhìn sang phía khác.



… Đêm hôm ấy, tôi mơ thấy mình ngồi bên bờ sông Meguro, hai hàng anh đào đúng mùa nở rộ. Trên trời dưới nước bị bao phủ bởi một đám mây hồng bồng bềnh, từ từ cuốn lấy tôi, vuốt ve tôi, bao bọc tôi, nhấn chìm tôi trong một thứ ảo giác mơ hồ vui sướng.

Tôi ước gì mình không bao giờ tỉnh lại.

>> Chương 4
 
Sửa lần cuối:
  • Like
Reactions: Lacie Dayo and Lynn
Chương 4
Tiền. Ramen. Sinh nhật trên núi.
***
767f72a77690770cedf26e7ce9af64f8.jpg

“Tháng sau em sẽ chuyển nhà.” – Chôm Chôm thẳng thừng tuyên bố. Đây là câu đầu tiên em nói với Mie (và tôi) sau sự kiện tắt đèn một tuần trước. Mie không biết chuyện xảy ra giữa hai đứa tối hôm đó, chị ấy chỉ “Ờ” một tiếng dường như không quá quan tâm.

“Em tìm được nhà rồi à? Chuyển đi đâu?”

Chôm Chôm có vẻ không muốn trả lời tôi, miễn cưỡng đáp:

“Bạn em đang tìm người ở ghép. Em sẽ chuyển đến gần trường học.”

Mie nghĩ nghĩ rất lâu mới chậm chạp nói:

“Sao em không nói cho bọn chị sớm? Hợp đồng nhà vừa mới gia hạn xong, bây giờ em chuyển đi bọn chị cũng không tìm được người nào để vào ở bù cả.”

Đây chính là vấn đề. Thuê một căn hộ ở Tokyo không phải chuyện dễ dàng, trả tiền thuê nhà lại càng không hề dễ dàng. Căn hộ này thuê mất tám vạn yên một tháng, cộng thêm sinh hoạt phí điện nước ga, chia ra mỗi người khoảng hơn ba vạn. Nhưng nếu Chôm Chôm chuyển đi, rõ ràng tôi và Mie mỗi người phải gánh thêm hơn một vạn tiền nhà. Con số không lớn, nhưng hoàn toàn không nhỏ với những sinh viên chỉ có thể đi làm thêm mỗi tuần 28 tiếng.

“Em cũng biết báo thế này hơi đột ngột, nhưng em nghĩ kỹ rồi. Năm nay em phải đi học nhiều, chuyển đến gần trường sẽ tiện đi lại hơn.”

Chôm Chôm đi học ở Waseda, mỗi lần đến trường phải đổi ba chuyến tàu. Em muốn chuyển đi hoàn toàn chính đáng. Mà cho dù không chính đáng, chúng tôi cũng chẳng có quyền ngăn cản em.

Trở về nhà sau một ngày đi học. Trời mưa lớn, vừa tạnh. Cơn mưa rào đến và đi đều thật nhanh. Lần đầu tiên thấy cơn mưa rào Nhật Bản to đến thế, không tính cơn bão vừa mới quét qua mấy ngày trước. Yamanote luôn biết cách dẫn hành khách đi qua những nhà ga đông đúc nhất ở Tokyo, những tòa nhà công sở cao ngất, những con phố mua sắm sầm uất, sáng choang, nơi ngã tư Shibuya nổi tiếng, hai bờ lấp lánh đèn màu nhòe nhoẹt trong nước mưa đọng, vô số những mảnh cửa kính sáng quắc dọc Osaki u sầm. Tôi không biết tại sao mình lại thích Osaki. Yên tĩnh và hào nhoáng. Chỉ cần lướt qua cũng nhìn thấy những bóng đèn tuýp trắng xếp dọc ngay ngắn như cách người Nhật xếp hàng trước một tiệm trà sữa để mua một ly trân châu đường đen. Bên trong, vô số nhân viên công sở mặc áo cổ cồn vẫn cặm cụi bên màn hình máy tính. Người Nhật luôn bận rộn, tôi cũng muốn mình được bận rộn.

“An ơi, chị nấu cơm xong rồi. Ra ăn đi.”

Ít có khi Mie chăm chỉ nấu được một bữa cơm, tuy rằng bữa cơm cũng chỉ có hai món là cơm trắng và thịt gà kho cà ri. May thay không phải thịt bò.

“Chị không mua rau à?” – Tôi cúi đầu nhìn bát cơm hỗn độn. Màu thịt gà có vẻ hơi đậm.

“Ờ, chị quên. Mà đằng nào chị cũng không ăn rau đâu? Lần sau em ăn thì em mua.”

“…”

Dù sao tôi cũng đã rất cố gắng để nói chuyện với Mie.

“Chôm Chôm không ăn à?”

“Ừ. Nó tự ăn rồi.”

Mặc dù từ trước đến nay Chôm Chôm chẳng mấy khi ăn cùng chúng tôi, nhưng lần này tôi cứ có cảm giác con bé chỉ là không muốn nhìn thấy tôi. Mie chẳng mảy may quan tâm đến không khí trong nhà, vừa bấm điện thoại vừa nói:

“À em. Tiền điện tháng này chị vừa chuyển khoản rồi. Mỗi người 3450 yên.”

Tôi nuốt miếng cơm hơi to, thức ăn nghẹn trong cổ họng.

“Em chưa được nhận lương.”

“Ừ, bao giờ có thì trả cho chị.”

“Mặn.”

“Chị ăn thì vừa.”

Điện thoại “ding ding” hiển thị một tin nhắn mới. Là mẹ tôi. Bà gửi cho tôi một bức ảnh, món thịt kho tàu.

“Mie ơi, ngày mai chị có bận gì không?”

“Ngày mai chị đi làm thêm rồi.”

“Vậy còn buổi tối?”

“Chị hẹn đi ăn với Zhang rồi.”

Zhang là bạn trai Mie, một người Mỹ gốc Trung Quốc. Anh ta đang theo học tiến sỹ ngành công nghệ cùng trường với chúng tôi, con người khá hòa đồng, còn đặc biệt thích tới nhà chúng tôi ăn chùa món Việt Nam nữa. Nếu đã là Zhang…

“Vậy thôi. Em đang định nếu mai chị rảnh, mình đi onsen.”

Đi onsen, xả stress.

“Ừ nhưng mai chị bận rồi, để cuối tuần nhé.”

Tôi chỉ đặc biệt muốn đi vào ngày mai.

“Mà chị tưởng em hết tiền rồi? Vẫn muốn đi chơi à?”

Không biết nhà nào mới đổ rác, mấy âm thanh phịch phịch vang lên dưới tầng. Hôm nay là ngày đổ rác thải cháy được, tôi thuận tay đóng lại cửa sổ.

Tám giờ sáng là khoảng cao điểm của Việt Nam, chín giờ là thời gian cao điểm của Nhật Bản. Tàu tám rưỡi sáng là địa ngục, nhưng chuyến tám giờ dễ thở hơn nhiều. Nếu may mắn, tôi còn có thể tìm được một chỗ ngồi đâu đó trong những toa đầu tàu. Trên tuyến Yamanote, trải suốt từ Yurakuchou, Shimbashi, Hamamatsucho, Tamachi, đi qua Shinagawa tới Osaki, Gotanda hay bờ sông Meguro, đều là khu công sở bận rộn. Mỗi ga tàu tôi từng qua đều không giống nhau. Ga tàu của mỗi thành phố không giống nhau, ga tàu của mỗi tuyến tàu cũng không giống nhau. Chikatetsu có một cảm giác bận rộn hiện đại và u ám một cách quái gở hết sức Nhật Bản. Trong khi những tuyến mặt đất thì luôn xô bồ, hỗn loạn và bon chen. Không phải chỉ một lần tôi trông thấy những tay nhậu cuối tuần nằm la liệt ngủ trên cầu thang của ga Yamanote trước quảng trường Hachiko, càng không chỉ một lần trông thấy những bãi nôn mửa bốc mùi rải rác cạnh ghế chờ của Shinagawa. Ở đâu cũng vậy, có người này sẽ có người khác. Một đất nước phát triển không phải lúc nào cũng sạch sẽ, họ chỉ là rất biết cách giấu đi.

Ai chẳng vậy.

Con người luôn có một phần xấu xí thiên bẩm, như một con quỷ nhỏ ẩn sẵn trong tiềm thức, chỉ chờ ngày phá vỏ bộc lộ ra. Người ta sinh ra, lớn lên, không ngừng đấu tranh, dày vò để trở nên hoàn thiện. Trưởng thành có lẽ là cuộc chiến trường kỳ nhất, mệt mỏi nhất, cũng dễ làm người suy sụp nhất.

Tôi xuống tàu ở Ikebukuro theo một thói quen có sẵn. Trường tôi đang theo học cách cửa Tây nhà ga chừng 15 phút đi bộ, nhưng tôi không có ý định sẽ đến trường. Điện thoại báo hai cái tin nhắn.

“An – san, hôm nay em không đi học sao?”

“Giáo sư, hôm nay em ốm, xin phép giáo sư cho em nghỉ một ngày.”

Tin nhắn thứ hai, thế mà đến từ Mie.

“Ơ hôm nay sinh nhật em à? Chúc mừng sinh nhật em nhé.”

Lần này thì tôi không trả lời nữa.

Tôi chọn đại một tuyến tàu, xình xịch theo nó ra khỏi Tokyo. Tôi không biết mình muốn đi đâu, chỉ cần đi là được rồi. Có một vài khoảnh khắc đặc biệt trong đời, bản thân mình nhất định muốn làm một điều gì đó thật đặc biệt, cũng thật là điên rồ - tôi gọi nó là thời điểm. Sinh nhật chính là một thời điểm như thế.

Những năm còn ở Hà Nội, tôi thường thích nhảy lên xe máy, đổ đầy xăng, chạy vào phố cổ, lang thang như một con ruồi không đầu. Khi nào mệt rồi, có thể ngẫu nhiên dừng lại ở con phố nào đó, vào một quán café vô danh nào đó, gọi một món đồ uống nào đó.

Nhà cửa, phố xá, đô thị và những tòa cao ốc chọc trời bị bỏ lại đằng sau. Trước mắt tôi bắt đầu hiện ra màu xanh dịu dàng của cây cối, cánh đồng, núi và sông. Xa xa nhấp nhô mái gỗ cong cong của một khu thị trấn cổ, tôi không biết mình đang ở nơi nào. Tàu địa phương thường rất vắng. Đối diện băng ghế của tôi chỉ có một bà lão đang ngồi.

Một giờ trưa, tôi ngẫu nhiên xuống tàu ở một nhà ga trên núi hẻo lánh. Quên mất rằng nhà ga ở địa phương không tiện lợi như ở Tokyo, tôi phải ra khỏi cửa, đi bộ mất khoảng hai mươi phút mới tìm được một tiệm ramen ven đường. Bên trong tiệm chỉ có sáu cái ghế, lúc tôi tới nơi, phục vụ quán mời tôi ra hàng ghế đá ngoài tiệm ngồi xếp hàng.

Lại chờ thêm chừng hai mươi phút, lứa khách trước đó lục tục rời đi, phục vụ lau dọn bàn ghế xong xuôi mới mời chúng tôi vào quán.

Tôi gọi một tô ramen vị muối, topping thịt hầm và măng khô. Vốn chẳng trông đợi gì, nên việc tô ramen ở đây ngon bất ngờ làm tôi khá kinh ngạc. Tôi chụp một tấm ảnh, quẳng lên story, xong xuôi mới tiếp tục bữa “tiệc” tự chiêu đãi.

Chúc mừng sinh nhật!

Lúc tôi cuốc bộ về ga tàu, bấy giờ đã là hơn ba giờ chiều. Nắng gây gây, có người gọi đến.

“Chúc mừng sinh nhật con gái! Hôm nay có đi đâu không?”

Là mẹ gọi.

Tôi bật camera, cố gắng làm ra vẻ hớn hở nhất vẫy tay loạn xạ:

“Có, con đang đi chơi mẹ ạ.”

“Đi với bạn à?”

“Vâng.”

“Mấy đứa đã ăn chưa? Để mẹ nhìn xem nào, dạo này gầy rồi kìa.”

“Hôm trước ba nói con béo ra.”

“Béo cái gì mà béo. Ông ấy thì biết cái gì, có bao giờ xót con đâu. Đang ở đâu đây? Hôm nay sinh nhật, rủ bạn bè đi ăn cái gì ngon nhé. Tiền còn không?”

Tôi lại nhe răng cười:

“Còn ạ.”

“Ở bên đó đừng có tiết kiệm, thiếu thì bảo, ba mẹ chuyển cho con.”

“Mẹ yên tâm. Không thiếu.”

“Thế thì tốt. Đi chơi đi nhé. Bây giờ mẹ phải vào làm rồi.”

“Vâng, mẹ đi làm đi. Con cũng đi đây.”

Nói thế, nhưng tôi vẫn cho đến khi mẹ ở bên kia dập máy, mới chậm chạp tắt cuộc gọi. Tàu lại đến rồi. Năm sáu ông bà lão xếp hàng bước lên. Tôi ngồi ngẩn người một mình trên ga tàu, chẳng hiểu sao không muốn động đậy.
 
Sửa lần cuối:
  • Like
Reactions: Lynn
Tuyệt vời quá, lâu rồi em mới đọc fic của ss kể từ ngày em đọc Đế tâm, cũng một thời gian khá lâu rồi, bây giờ thấy ss đăng fic mà em đọc thấy bồi hồi quá không hiểu sao, chắc là do lâu lắm rồi mới được quay trở lại diễn đàn và nhìn thấy mọi người. Em sẽ cắm cọc ở đây nhee đến khi nào fic hoàn, đọc cuốn lắm ạa
 
  • Like
Reactions: Tằm
Tuyệt vời quá, lâu rồi em mới đọc fic của ss kể từ ngày em đọc Đế tâm, cũng một thời gian khá lâu rồi, bây giờ thấy ss đăng fic mà em đọc thấy bồi hồi quá không hiểu sao, chắc là do lâu lắm rồi mới được quay trở lại diễn đàn và nhìn thấy mọi người. Em sẽ cắm cọc ở đây nhee đến khi nào fic hoàn, đọc cuốn lắm ạa

Cảm ơn em
12.gif
Lâu lắm cũng mớicó cảm giác post truyện lên 4rum mà vẫn có bạn theo dõi, bồi hồi ghê luôn á. Mà cảm giác up lên những chỗ khác nó ko như vậy =))
 
  • Like
Reactions: Lynn
Chương 5
Trôi
***
660f51808c432f2b88808ee5b429191b.jpg

Hoàng hôn Nhật Bản rất dài, nhất là vào mùa hè. Từ khi tắt nắng đến khi ánh sáng cuối cùng của ban ngày chìm xuống dưới đường chân trời nhấp nhô cũng đủ thời gian cho người ta no nê ngủ một giấc. Một dải màu bảy sắc ngăn cách màn trời tím ngắt và bóng đèn in trên những tòa nhà cao tầng. Thi thoảng trên nền đen lại điểm ra vài đốm sáng, giống như những bức tranh âm bản. Tàu luôn đông khi về tối, khoảng từ bảy đến chín giờ, sau đó nghỉ ngơi hai ba giờ đồng hồ trước khi chuyến tàu cao điểm cuối cùng của ngày chuyển bánh lúc nửa đêm. Ai cũng bận rộn, lại chẳng biết ai là người thực sự bận rộn.

Tôi không muốn về nhà.

Bóng đèn cao áp xen vào giữa những chóp cây ngân hạnh nhọn hoắt, từ từ lẩn trốn về phía con dốc xa xa hướng lên đồi Omori. Gần đây có một quán nhậu giá rẻ, với chỉ 80 yên cho một xiên yakitori. Trước đây Mie đã kéo tôi tới quán này một lần, vào một ngày giữa tháng ba trời bất ngờ đổ tuyết, và chị ấy thì đang cãi nhau với Zhang.

Mie và Zhang cãi nhau hai tuần một lần, mỗi lần đều là vì những lý do giống nhau: chị ấy muốn gặp Zhang hằng ngày, nhưng anh ta muốn mình cũng cần có cuộc sống riêng, có bạn bè, và có những mối quan hệ không cần thiết phải để Mie biết. Thú thực tôi khá thông cảm cho Zhang vì điều này. Còn nếu tôi là Mie, tôi sẽ chia tay anh ta.

Tôi chọn một bàn nhỏ khuất trong góc tường, mũ nồi móc lên giá treo áo ngay cạnh đó. Hầu như các quán nhậu và nhà hàng đều có móc treo đồ cho khách tới ăn, về điểm này người Nhật vô cùng chu đáo. Menu món ăn dày đặc chữ Hán tự, tôi bập bõm gọi ra vài chữ mà mình biết. Phục vụ quán hình như cũng biết tôi không giỏi tiếng Nhật cho lắm, liền hết sức nhiệt tình giải thích cho tôi bằng một thứ ngôn ngữ cơ thể khá ngộ nghĩnh. Cuối cùng tôi cũng hiểu được anh ta muốn nói gì.

“Được rồi. Vậy cho tôi một nửa vị muối, một nửa vị tare.”

Xiên nướng kiểu Nhật, nguyên liệu thì rất nhiều: thịt gà, thịt lợn, thịt bò, da, sụn, lưỡi, tim, gan, hành, nấm, tỏi… chay mặn đều có - song hương vị chỉ có hai loại: vị muối, và vị sốt ngọt tare. Với những người khẩu vị đậm, thịt nướng thường được chấm với một loại tương miso nhạt, còn tôi thì chỉ thích rắc thêm một chút ớt bột shichimi. Đây là loại ớt bột bảy vị thông dụng nhất ở Nhật Bản. Có điều, nghe nói trong thời gian thất nghiệp sau trận lũ lụt lịch sử năm ngoái, một lao động xuất khẩu người Việt Nam đã dành mấy ngày để tách các nguyên liệu khác nhau trong lọ bột shichimi để kiểm tra, từ đó phát hiện ra shichimi thực chất chỉ có năm vị chứ không phải bảy vị như nó vẫn được quảng cáo.

Chỉ là, dù năm vị hay bảy vị thì tôi vẫn chẳng nếm ra được vị gì từ shichimi, ngoài một chút cảm giác tê nhẹ nơi đầu lưỡi mà mấy người bạn Nhật Bản luôn cảm thán là “cay quá!”.

“Bạn có gọi thêm đồ uống gì không?”

Tôi đọc qua menu đồ uống toàn chữ Katakana lần nữa. Trước đó Mie từng giới thiệu cho tôi vài món Haiboru (Highball – Cao Bôi Tửu) ở đây, có cồn, nặng hơn bia nhưng nhẹ hơn rượu, còn có vị hoa quả rất dễ uống.

“Một Matcha Haiboru.”

Nó đắng hơn tôi tưởng, vừa chua vừa đắng, vị matcha đặc ngẫn quyện với cồn đọng vào cổ họng tôi nóng ran. Món đầu tiên được đưa lên thế mà lại là thịt bò. Một xiên bốn miếng thịt được cắt thành miếng hết sức vuông vức, bên trên bóng loáng nước sốt sệt sệt. Tôi tự nhiên có chút hối hận: lẽ ra không nên gọi thịt bò.

Tôi chụp một tấm ảnh đăng lên story, thuận tiện gửi cho mẹ.

“Con đi ăn món ngon đây.”

Mẹ nhắn lại cho tôi một chiếc sticker nhảy múa.

Cuối cùng thì ly matcha haiboru quá đắng, tôi uống hết ba phần tư thì đành gọi thêm một cốc bia tươi. Story có hai mươi lượt xem, chẳng ai thả cảm xúc. Đa số người ta chỉ muốn xem xem bạn đang làm gì, chứ có mấy ai thực sự quan tâm bạn đang làm gì đâu?

“Em đi ăn yakitori ở chỗ 80 yên à? Uầy, chị cũng muốn ăn.”

“Hôm nào chị với Zhang đi mà ăn.” – Tôi trả lời, sau đó tắt thông báo cuộc thoại.

Mới có tám giờ.

Khách trong quán tới đông hơn, đều là người Nhật, có người đi thành đôi, cũng có nhiều người đến một mình. Chỉ có một mình tôi là con gái mà đi một mình. Nhưng chẳng ai quan tâm đến điều đó, may thay, đây là một trong những điều tôi rất thích ở đất nước này.

Điện thoại lần nữa báo tin nhắn. Mắt tôi hơi hoa lên. Lại chuyện gì nữa đây?

“Em uống rượu à?”

Không phải Mie.

“Đi cùng với ai đấy?”

Tôi úp điện thoại xuống bàn.

“Em một mình ở bên đó phải cẩn thận. Con gái ra ngoài buổi tối không an toàn đâu.”

“Ừ, ra ngoài uống rượu đấy! Thì sao? Liên quan gì đến anh?”


Màn hình hiện ra dấu ba chấm. Người ở phía bên kia im lặng thật lâu.

“Có ai đi cùng không? Đừng về khuya quá.”

Tôi phát cáu.

“Anh thôi đi có được không? Một năm rồi, chơi trò này còn chưa chán à?”

“Em uống say phải không?”


Say cái con khỉ.

“Phục vụ! Xin lỗi, cho tôi thêm một rượu shochu!”

“Anh không yên tâm về em.”


Tháng Bảy ở Hà Nội trời thường xuyên đổ mưa, mưa rào. Buổi tối hôm ấy cũng mát mẻ, trời ào ào đổ mưa. Tôi phóng xe từ Nam Thăng Long đến tận quận Long Biên để rồi vào bừa một tiệm KFC ăn tối. Sinh nhật hai mươi tuổi của tôi, mẹ đi công tác không có nhà, ba muốn mời tôi đi ăn cùng một người bạn ở cơ quan, lần đầu tiên tôi thẳng thừng từ chối ông ấy.

Tôi chẳng biết mình muốn làm gì. Chạy quanh Aeon Mall một lát rồi lượn trở về trên cầu Long Biên. Gió sông thổi lồng lộng, đột nhiên muốn dừng lại hít thở một lát. Nhiều cặp đôi cũng đứng ở đó, tôi tìm thấy hai ba ổ khóa trên lan can cầu. Hồi đó hình như có trend đem ổ khóa móc lên cầu để cầu nguyện cho tình yêu vĩnh cửu thì phải, tôi chẳng nhớ lắm.

“Em đang ở đâu?”

“Em đang ở ngoài đường.”

“Đi đường cẩn thận. Đừng về tối quá.”

“Không sao đâu. Em hóng gió một lát sẽ về. Anh ăn gì chưa?”


Bên kia gửi đến một bức ảnh.

“Anh ăn ít vậy? Có đủ no không?”

“Không sao, anh đang giảm béo. Nhưng An à, anh không yên tâm về em.”


Buồn nôn.

“Anh về mà lo cho chị vợ sắp cưới của anh ấy.”

Chẳng biết từ lúc nào mà cốc rượu của tôi đã uống hết. Bụng no căng, tôi vẫy tay với phục vụ. Ngoài ý muốn, cánh tay của tôi hơi tê, giơ lên nhìn thế nào cũng thấy xiêu vẹo.

“Tính tiền giúp mình...” – Onegaishimasu.

Phục vụ đưa lại tiền thừa và hóa đơn. Tôi đứng dậy, nhón chân từng bước chậm rãi ra về. Phục vụ đằng sau bỗng kêu lên:

“Xin lỗi thưa quý khách, bạn để quên mũ và ba lô.”

Bảo sao cứ thấy sau lưng thiêu thiếu cái gì. Tôi cúi gập người cảm ơn, liêu xiêu chạy mất.

Ga Shimbamba sơn màu xanh lục, đặc biệt mang cái cảm giác cũ kỹ gì đó rất anime, tường sơn đều ố màu rồi. Cách mười mét đặt một băng ghế gỗ sồi, vân gỗ đã bị mài đến bóng lưỡng. Ngay bên trên treo một tấm bảng cũng màu xanh lục. Thỉnh thoảng ngta sẽ dán poster quảng cáo sự kiện trên ấy. Tôi ấn tượng lắm với cái nhà ga này, chẳng vì sao cả. Hầu hết các ga tàu trên tuyến Keikyu đều thiết kế giống nhau, có chăng chỉ khác một màu sơn tường. Hình như có một lần tôi mơ thấy nó, mấy ngày đầu khi tôi chuyển tới Ota, với đường ray trên không và những đoàn tàu hơi nước biết bay giống như tòa lâu đài trên không của Howl vậy. Tôi biết nó chẳng liên quan gì, nhưng đôi khi tiềm thức hoạt động theo những cách rất khó hiểu mà chúng ta không kiểm soát được. Cũng có thể đơn giản vì nơi khác sẽ không vừa vặn có một tấm bảng trống màu xanh, không có một cô nữ sinh cấp ba mặc đồng phục thủy thủ ngồi trên ghế chờ vào một chiều hè nắng xiên qua cửa kính tàu phang phảng màu tím nhạt.

Không biết lúc này mấy giờ rồi, trong ga tàu chỉ có một mình tôi, hai mắt líu díu. Phải cố hết sức tôi mới đọc được hàng chữ “tàu nhanh” màu đỏ trên bảng hiệu nhà ga. Chuyến tàu này không dừng lại ở nhà tôi, vẫn phải đợi thêm rồi.

“An – san?”

Trên đầu tôi vang lên một câu hỏi nghi vấn, giọng nói này tôi không quen.

Nhưng mà đôi mắt sâu thẳm như đêm sa mạc kia thì chẳng thể lẫn đi đâu được. Tôi chưa kịp phản ứng đã thấy mình đứng bật dậy, nghiêng nghiêng ngả ngả cười khanh khách:

“Saru – sama! Sao anh lại ở đây?”

“Lúc trước tôi có nói với em rồi mà, nhà tôi ở gần đây.”

“Bây giờ anh mới về à?”

“Ừ, tôi đi làm về. Em thì sao?”

Tôi nấc một tiếng, lập tức xấu hổ bịt miệng lại.

“Em vừa đi ăn về.”

“Em không uống rượu đấy chứ?”

Tôi nhấc một đốt ngón tay giơ lên cho anh xem.

“Em chỉ uống một chút thôi.”

Sarl lắc đầu tỏ vẻ hết cách. Anh ra hiệu cho tôi ngồi xuống, thế là tôi ngồi xuống. Tôi tưởng anh đi về, nhưng anh lại ngồi xuống bên cạnh tôi. Sau đó, trong lúc cái đầu còn đang ngơ ngơ ngẩn ngẩn của tôi không hiểu chuyện gì xảy ra, anh đã theo lên tàu, kéo tôi xuống ở ga Ota-roku, nằng nặc bám theo như một cái bóng cho đến khi tôi mở cửa bước vào nhà.

Trong nhà chẳng có bóng người, chỉ có bóng đêm. Tôi va phải cánh cửa phòng ngủ. Không đau. Cửa sổ khép hờ hắt tới tia sáng màu vàng từ ngọn đèn đường đơn độc. Tôi đẩy lớp rèm mờ mờ, vừa kịp trông thấy bóng người cao thẳng của anh rẽ vào đêm tối.

Khuôn mặt tôi chẳng hiểu sao ướt đẫm rồi.

>> Chương 6
 
  • Like
Reactions: azurine and Lynn